Vùng B Đại Lộc dày lịch sử, thời sự và cả văn hóa. Nơi ấy còn nhiều điều chưa khám phá…
Cuối tháng giêng âm lịch, bác sĩ Huy, bạn tôi, lái xe đến đón đi lên làng quê An Bằng ở vùng B Đại Lộc (Quảng Nam). Anh bảo: “Tôi về quê đóng góp tiền xây mồ mả, thắp hương ông bà độ nửa giờ rồi chúng ta đi chơi…”. Tôi đồng ý ngay vì từ Tết đến giờ chưa đi đâu, lại nhớ câu thơ viết về vùng đất hẹp giữa hai con sông lớn của Quảng Nam: “Trước nhà em sông Vu Gia/Sau nhà em cũng lại là dòng sông…” của Thanh Quế.
Đây cũng lại là vùng chè nổi tiếng và quê hương của hát bội ở huyện Đại Lộc.
1.
Qua thị trấn Ái Nghĩa rồi rẽ trái về phía Bàu Tròn để đến cầu Quảng Huế sang vùng B Đại Lộc. Bàu Tròn và cầu Quảng Huế là cửa ngõ của một vùng B đầy những sự kiện thời sự lẫn lịch sử mà những lần qua đây đều cho tôi nhiều ấn tượng. Đoạn đường thấp này giờ đã được nâng cao và mở rộng với tấp nập xe cộ ngược xuôi. Nhưng cái chính là màu xanh ngút mắt của hoa trái quanh năm. Đó là những rừng đu đủ Trang Nông, những thửa bắp nếp, khổ qua nối đuôi nhau dọc con sông Quảng Huế.
Vùng B Đại Lộc với bề dày lịch sử, thời sự và cả văn hóa
Thôn Bàu Tròn gồm 4 xóm Nhủ Bộ, Phù Sa, Thủy Bàu và Cây Thị, tuy chỉ có trên 40 ha đất canh tác và một ít diện tích vườn tạp được cải tạo nhưng hơn 200 hộ dân ở đây luôn hãnh diện về kỹ thuật canh tác cao của họ cùng niềm tự hào là thanh niên dưới 40 tuổi không phải ly hương kiếm sống mà là những người đi đầu trong cải tiến kỹ thuật gieo trồng và ứng dụng kỹ thuật mới. Nhờ vậy, mỗi hecta canh tác hằng năm cũng kiếm được cả trăm triệu đồng.
Bên kia cầu Quảng Huế là hai làng Quảng Đợi và Thanh Vân, thuộc xã Đại Cường. Với dân số khoảng 10.000 người, Đại Cường là xã nông nghiệp hằng năm hứng chịu những cơn lũ lụt tràn về từ hai con sông Thu Bồn và Vu Gia. Đại Cường nằm ở khoảng hẹp nhất giữa hai con sông này và nhánh sông Quảng Huế nối giữa chúng nhưng nơi đây vẫn là đất bồi ba châu tươi tốt bởi phù sa. Đại Cường còn có địa danh Gia Cốc mà tương truyền trong Cách mạng Duy Tân, đây là nơi khởi xướng phong trào cúp tóc (thế phát) của các cụ Phan Châu Trinh, Mai Dị và cả phong trào chống xâu thuế nổi tiếng hồi năm 1908…
2.
Tôi cũng từng theo bạn là nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên về quê Đại Minh của anh vào cuối năm trước và ghé thăm các hộ làm trống nổi tiếng ở Lâm Yên. Bây giờ, nhiều hộ chuyển sang làm các công cụ cúng tế khác cho đình chùa như mõ, lư hương nhưng nghề trống vẫn là gia truyền: trống chiến, trống chầu, trống chùa, trống lân, trống linh bịt da trâu. Một người thợ trống kể hằng năm, đắt khách nhất vẫn là tháng ba và tháng tám âm lịch, là những dịp thanh minh và cúng tế, lễ hội nhiều. Trống Lâm Yên giờ không khu trú ở thị trường địa phương mà đi xa đến tận Tây Nguyên, Nam Bộ.
Tôi tự hỏi có phải trống Lâm Yên ban đầu là trống chầu gắn liền với sân khấu hát bội mà Đại Lộc nói chung và vùng B nói riêng vẫn được coi là những cái nôi từ xưa ở Quảng Nam? Những nghệ sĩ hát bội cung đình tài danh như Bốn Quản (Đại Thạnh), rồi con trai ông là NSND Đội Tảo Nguyễn Nho Túy hoặc Trùm Lành, Phó Sơn, Tư Bữu… của gánh Bàu Toa vang danh một thời phải chăng có quan hệ mật thiết với các nghệ nhân làng trống Lâm Yên? Những người tuy chỉ biết đóng vai vua lên sân khấu nói vài câu nhưng vì mê hát bội mà bán hết ruộng nương của ông cha để lập gánh hát ở vùng B, chính nơi đây đã quy tụ nhiều nghệ danh khác như Nguyễn Lai, Phó Phẩm, Nhơn Sơn, bà Liễu từ Điện Bàn lên “tung hoành” cho đến ngày chiến tranh bùng nổ năm 1948? Những vị ấy sau này lại đóng vai trò nòng cốt của phong trào văn nghệ Liên khu 5 trong kháng chiến…
Một nhân vật nổi tiếng vùng này là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Trương Văn Mười. Anh kể: “Thật ra, nghề làm trống vốn từ ấp Nam, xã Đại Minh, nguyên là sự sáp nhập của 4 địa danh: Lâm Tây, Lâm An, Lâm Đại, Lâm Trung và gọi chung là Lâm Yên. Đây cũng là vùng gò đồi nổi tiếng với loại gỗ mít, vốn là nguyên liệu chính của nghề làm trống.
Anh Mười đưa chúng tôi đi thăm hồ Khe Tân, làng An Bằng với những đồi chè cổ thụ nức tiếng thơm ngon ở đây. Vào thăm nhà nào cũng được mời uống nước chè An Bằng. Có cái gì liên quan giữa nước chè xanh Đại Huệ của vùng rú Thiên Nhẫn Nam Đàn (Nghệ An) với chè xanh An Bằng mà đến đâu tôi cũng nghe câu nói: “Uống chung bát chè xanh, tình làng nghĩa xóm càng thấm đậm, chan hòa, mọi ưu phiền mắc mứu đều được giãi bày…”.
An Bằng là làng chè xanh có từ 200 năm nay. Cụ T., chú ruột của bác sĩ Huy, kể chè ở đây vị ngọt nên rất được chuộng, lại có công dụng chữa bệnh. Ngày nay, ngoài dùng nấu nước uống, chè An Bằng cũng được các xưởng chế biến hải sản xuất khẩu thu mua để ép lấy nước tẩm vào hải sản khô xuất khẩu theo yêu cầu của các thương nhân Nhật, Hàn Quốc, nhờ vậy người trồng chè luôn có cuộc sống ổn định…
3.
Trước khi chia tay vùng B, chúng tôi được mời dự một bữa giỗ, không biết vô tình hay hữu ý, bàn chúng tôi ngồi còn có 6 người khác nguyên là bí thư xã, xã đội trưởng trong chiến tranh, vài quan chức người địa phương đang làm việc ở huyện và chủ nhà đều là… các nhà thơ! Anh nào cũng có tác phẩm được in trên tạp chí Đất Quảng (Quảng Nam) và Non Nước (Đà Nẵng). Họ say thơ như người ta say thuốc phiện và cùng nhau đọc tác phẩm của mình ngay trong đám giỗ. Người nghe ai cũng đều trân trọng. Thơ tình và thơ về quê hương là nổi bật nhưng nổi bật hơn cả mà tôi nhận thấy là sự chân thành với một vùng quê.
Một vùng B dày lịch sử, thời sự và cả văn hóa. Nhưng thoáng chốc, vùng B với tôi hãy còn nhiều điều chưa khám phá!
=Trương Điện Thắng=
Nguồn: Báo Người Lao Động
Ảnh: Nguyễn Văn Nam