Hành Trình Tìm về làng chè An Bằng Hàng trăm Năm tuổi
Trà Bancha giúp chống lão hóa, làm đẹp da
Đường vào đồi chè An Bằng
CHÈ AN BẰNG TỎA HƯƠNG – NGÔ HÀ PHƯƠNG
Làng An Bằng gối đập Khe Tân nằm sâu trong góc núi tận phía Tây Nam huyện Đại Lộc nhưng từ xưa đã được nhiều người biết đến nhờ có một loại chè rất ngon – Chè An Bằng. Chè An Bằng đã đi vào tâm thức nhiều người bằng hương vị và bằng cả thi ca:
« Thà rằng nhịn một bữa cơm
Chứ không thể thiếu chè thơm An Bằng… »
(Ca dao Quảng Nam),
«Thắm lòng chia vị Lòong boong
Chè tay ai hái ngát hương An Bằng»
(Lời người Đại Lộc – Lưu Trọng Lư).
Buổi đầu lập ấp, cả vùng đất khá rộng phía tây Duy Xuyên và tây Đại Lộc sát núi nhiều đồi gò nên được nhiều người trồng chè. Nhưng do người An Bằng may mắn tìm được giống chè ngon, lại trồng trên mảnh đất chứa nhiều vi chất phù hợp nên cây chè phát triển nhanh và cho ra thứ lá thơm ngon đến mê hoặc. Cạnh đó, hai làng Phúc Hương và Mỹ Lễ có thổ nhưỡng gần giống nên cũng trồng theo được giống chè thơm nức danh An Bằng này.
Chè xanh có nhiều cách uống. Hoặc vò lá tươi bỏ vào bình hãm nước sôi hoặc vò lá tươi bỏ vào om nấu chín,… Qua trải nghiệm, người An Bằng đã làm nên một đặc sản « chè khô ». Chế chè khô cũng dễ, bỏ chè lá vào cối chế thêm ít nước rồi giã đến bầm đều cả lá, lấy chè ra bỏ vào thúng hoặc nong ủ một đêm trong lá chuối cho chín đỏ bầm đều mặt lá, sáng hôm sau lấy dao chặt nhỏ rồi mang ra phơi nắng thật khô, chiều lại bỏ vào bầu đậy kỹ. Những bầu chè khô này được cất giữ thật lâu để uống dần hoặc mang đi bán khắp trong vùng ngoài tỉnh. Trong quá trình chế biến đã có nhiều chuyển hóa trong lá chè, chất xấu mất đi chất tốt hiện ra chăng mà khi nấu lên nước chè thơm không đừng uống được và chẳng thấy ai dùng mà bị xót ruột hay mất ngủ bao giờ! Chè An Bằng cũng có cách nấu, cách uống khá nghệ thuật. Chè được nấu trong nồi, trong ấm khá lớn để dùng suốt ngày. Thoạt đầu, bỏ một vài vốc lớn chè khô vào nồi với nước lả rồi đun sôi thật lâu bằng lửa to cho ra chè. Đến khi chè bốc hương ngào ngạt thì đổ tiếp một vài gáo nước lạnh vào để thay đổi trạng thái trong nồi rồi lại đun tiếp đến sôi lên vài dạo nữa là có một nồi nước chè tuyệt hảo. Nước chè được lấy ra một bát kiểu khá to và thật đẹp để uống. Người ta lấy thêm một cái bát nữa để san qua sớt lại. Khi rót nước từ bát này sang bát kia, khoảng cách giữa hai bát thường cao hơn một gang tay để nước chè chảy thành dòng nhỏ vào bát làm trên mặt bát nổi lên một đám bọt thơm. San sớt nhiều lần cho đến lúc nước chè vừa uống được thì đám bọt bong bóng kia cũng bềnh bồng như muốn kín mặt bát. Người uống kê miệng vào bát nước chè tím đậm hớp từng hớp bọt đang bốc hương ngào ngạt lẫn với nước để cả hương và vị quyện nhau ngấm vào mũi vào lưỡi vào hồn. Nuốt một búng « khà » một tiếng, thật không gì thú bằng!
Mùi thơm tỏa ra của niêu nước «chè khô» đang sôi thật quái đản, nó xông thẳng vào mũi kích thích đến chùm thần kinh nào đó khuấy động hết các giác quan, các gam tấc máu thịt, các ngõ ngách não bộ lên làm ta sảng khoái, mê mẩn. Đang buổi làm, đang đi đường, đang thiu thiu ngủ bỗng niêu nước chè sôi đâu đó bốc hương phả vào mũi, thế là phải dừng lại, chờm dậy chạy đi tìm uống một bát cho qua cơn thèm! Pha thuốc vào nước chè để nhữ rồi diệt sán xơ mít, âu cũng là chuyện nghiện hương chè An Bằng vậy! Hương chè đã vậy còn vị chè An Bằng cũng rất đặc biệt, chát chát pha thơm thơm, ngọt ngọt, dịu dịu dính trong gốc lưỡi dẻo dẻo khó tan, càng uống càng thèm.
Với hương vị ấy, chè An Bằng đã sớm vươn xa. Thương lái các nơi kéo đến mua chè đông nượp. Chợ Bến Dầu buôn bán dầu rái và đủ các mặc hàng khác, chè là mặc hàng đắt khách. Đến đầu thế kỷ 20, để đáp ứng cho việc buôn bán chè, ngay trong làng An Bằng, Chợ Chè lại mọc lên rồi trở thành một «trung tâm thương mại» mới. Hai cái chợ trong một khu nhỏ nói lên sức sống của người dân vùng chè này.
Đồi chè, gò chè, vườn ở cũng chè, nhà nào cũng sống nhờ chè! Tiêu biểu, ông Hương Nguyện, ông xã Nhạn, ông thủ Thi, ông hương Ba,… mỗi ông đều có đến hàng vạn cây chè. Chè giải quyết công ăn việc làm cho cả làng thậm chí cho cả vùng. Năm 1943, dân làng còn dựng lên một xưởng chế biến trà nhằm mở rộng thị trường. Thế nhưng sau khi hoạt động một thời gian thì ngừng vì sự cố kĩ thuật và sau đó là chiến tranh nên không thể khôi phục được.
Những năm 1967 – 1975, chiến tranh tàn khốc, làng bị đốt phá, chè cằn cỗi hết. Sau ngày giải phóng, nhiều rẫy chè, vườn chè lại mơn mởn khoe tươi. Hợp tác xã Đại Thạnh đã đầu tư trồng được hàng chục hecta. Việc mua bán chè cũng khá sôi nổi. Mức sống người làng dần ổn định.
Thế nhưng, sau khi hội nhập, cộng việc làm ăn ngày càng nhiều, con người ngày càng bận bịu đòi hỏi vật dùng phải tiện nghi. Nước giải khát đóng chai không những tiện lợi mà giá còn rất cạnh tranh đã đẩy giá chè xuống thật thấp. Cùng lúc, cây keo lá tràm lại có giá hấp dẫn. Vì mưu sinh, bà con đã để cây keo xâm lấn đất cây chè. Chè bấy giờ chỉ còn là những rẫy, những vườn nhỏ gọn đủ để dân làng dùng và bán cho những người của xứ khác đã bị hương vị chè An Bằng ngấm vào máu.
Những năm gần đây, hàng thảo mộc lên ngôi nên chè lại cao giá và khách đến mua chè cũng ngày càng đông. Việc phát triển cây chè được nhiều người đang từng bước thực hiện. Những nơi trồng keo kém hiệu quả, chè được mọc lên.
Thăng trầm cùng lịch sử là chuyện thường tình. Rốt cuộc, cái gì có giá trị sẽ tồn tại và tiếp tục vươn cao. Chè An Bằng có thương hiệu thì qua thử thách chắc chắn càng vững vàng hơn.