NƯỚC CHÈ TƯƠI QUẢNG NAM (CHÈ XANH QUẢNG NAM)

Người dân Quảng Nam ngày xưa thường bữa thích uống bát nước chè tươi hơn là nước lạnh. Nước chè xanh – dân gian xứ Quảng, vẫn quen gọi là nước chè tươi là loại nước uống thông dụng nhất. Người ta hái lá chè tươi, thường có sẵn trong vườn, bỏ vào chiếc nồi đất, nấu chín. Trong các gia đình khá giả, có nhiều ruộng đất, những ngày mùa gặt, có nhiều thợ gặt đến giúp, thì chủ nhà thường nấu nhiều nồi nước chè tươi trong một ngày để đem ra đồng cho thợ gặt uống. ” Ở vùng Hà Đông xưa (gồm cả Tam Kỳ, Núi Thành, Tiên Phước ngày nay) có nghề làm cau khô, nhiều nhà có thợ làm cau lên tới vài ba chục người, cũng thường đãi thợ bằng nước chè tươi. Một tục lệ khác, cũng rất phổ biến ở quê ta, là những gia đình nào làm nhà mới, nhất là khi xây được nhà ngói, thường nấu nước chè tươi cho thợ mộc, thợ nề uống. Do đó, các nhà hàng xóm thường mua đem đến cho một vài bó chè xanh. Lâu dần, việc này trở thành một tục lệ đẹp, biểu hiện rõ cái tình lân lý, hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, việc của một nhà, mọi nhà cùng lo (nhất gia hữu sự bá gia ưu)”. Người dân quê xứ Quảng uống nước chè tươi trong những cái tô (bát) lớn, bằng đất ; nước chè đang nóng, đầy bọt, uống liền một hơi cạn sạch bát, như thế mới đã khát. Người ta cũng để dành chè xanh bằng cách hái lá chè tươi bỏ vào cối đá giã nhỏ, ủ độ nửa giờ, cho chè ngả sang màu vàng cánh gián mới đem ra phơi. Khi chè đã khô, giòn, bỏ vào ghè (hay lu) đậy kín, giữ để uống dần, nhất là giữ cho tới mùa đông mưa lụt. Trà khô này họ gọi là trà Tàu. Ở đầu thôn hay giữa làng, nơi bến đò hay bãi chợ thường có những quán bán nước chè tươi cùng với cau trầu, bắp nấu, khoai luộc. Thi thoảng người đi chợ, kẻ vác thuê… ghé qua uống một tô nước chè tươi ngọt mát. Những cái quán bên đường ấy, lắm khi cũng tạo nên những cảnh tình lãng mạn, mà văn học dân gian vùng đất chưa mưa đà thấm này từng thể hiện: Thương anh múc bát chè xanh, Làm tô mì Quảng, mời anh ăn cùng. Bát nước chè xanh ngọt lành ấy, tiếc thay, trong cuộc sống hiện đại, trong cái nhịp đô thị hóa đến chóng mặt hiện nay đã vắng bóng dần. “Với một chút hoài niệm, ta có thể lại tìm thấy hình ảnh bát nước chè xanh ấy trong những trang sách của người nước ngoài. Khi nghiên cứu về phong tục Việt Nam, một người Pháp là Ch. Gosselin, trong cuốn L’Empire, d’Annam, đã nhắc đến công dụng y học của bát nước chè xanh. Và tác giả còn nói rõ là, vào đầu thế kỷ XX, một bát nước chè tươi trong tất cả các quán hàng nước, đều được bán với giá 1 đồng kẽm (1 xu lúc bấy giờ là 40 đồng kẽm). Bát nước chè tươi, bóng đa đầu làng, đó là một phần trong cái hồn quê mênh mông”. ( Trong bà i có sử dụng tư liệu nguồn từ Hội Quảng”)

=Viên Trân=

Nguồn: https://www.facebook.com/QU%C3%80-QU%C3%8A-165820073598042/?__tn__=k*F&tn-str=k*F

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *